Tour theo chủ đề

Cẩm nang du lịch Côn Đảo

Côn Đảo – Thiên đường giữa trần gian được tạp chí Travel&Leisure danh tiếng bình chọn là một trong 10 quần đảo đẹp và bí ẩn nhất thế giới. Không chỉ vậy, đây còn là nơi ghi dấu lịch sử hào hùng của cách mạng Việt Nam, trong đó không thể không kể đến Nhà tù Côn Đảo khét tiếng một thời. Vài năm trở lại đây, Côn Đảo đã trở thành điểm du lịch biển hấp dẫn nhất Việt Nam. Và để có một chuyến du lịch Côn Đảo tuyệt vời nhất bạn hãy tham khảo những kinh nghiệm du lịch Côn Đảo sau đây của Lữ Hành châu Á - Asiana Tours nhé.

>> Xem thêm

----------------------------------------------------------------------------------------

1. Du lịch Côn Đảo thời điểm nào trong năm?

Thời tiết ở Côn Đảo cũng khá giống ở Sài Gòn, với 2 mùa mưa-khô rõ rệt. Tuy rằng Côn Đảo vào mỗi mùa lại có một vẻ đẹp riêng:

  • Từ tháng 3 đến tháng 9: Là mùa mưa ở Côn Đảo, nhưng đó chỉ là những cơn mưa bóng mây, kéo dài khoảng 30 phút đến 1 tiếng là tạnh. Hơn nữa sau cơn mưa, cảnh sắc Côn Đảo sẽ trở nên tươi mát hơn, sạch sẽ hơn, những tia nắng cũng dịu nhẹ hơn. Đặc biệt, vào mùa này biển Côn Đảo cũng lặng sóng, êm đềm  và mang một màu sắc thanh mát, thoải mái hơn mùa khô rất nhiều. Khoảng thời gian này rất thích hợp để bạn đi du lịch Côn Đảo
  • Từ tháng 10 đến tháng 2: Là thời gian biển động, cho nên chi phí các loại dịch vụ rất đắt đỏ. Hơn nữa, vào khoảng thời gian này bạn sẽ không thể tắm biển được, nhưng bù lại bạn có thể thăm quan những di tích lịch sử nổi tiếng, thắp hương cho các vị anh hùng dân tộc hoặc khám phá rừng nguyên sinh…Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, nếu bạn muốn du lịch Côn Đảo vào khoảng thời gian này thì hãy suy nghĩ và chuẩn bị thật kỹ càng cả về vật chất lẫn tinh thần nhé

2. Di chuyển

Có 2 loại phương tiện đến Côn Đảo mà bạn có thể đi, đó là tàu thủy và máy bay:

- Tàu thủy 

Để đi được tàu ra Côn Đảo bạn hãy đi Kumho từ Sài Gòn (Nếu bạn ở Hà Nội thì nên đi máy bay) ở bến xe Miền Đông về Vũng Tàu, khi nào đến cảng Cái Lở thì bảo lái xe cho xuống. Tại đây bạn mua vé tàu đi Côn Đảo. Tàu đi sẽ khởi hành từ lúc 17h chiều hôm trước và đến nơi vào 5h sáng hôm sau. Cho nên theo kinh nghiệm du lịch Côn Đảo của Lữ hành châu Á - Asiana Tours chúng tôi thì bạn nên sắp xếp thời gian để đến được cảng Cái Lở trước 17h chiều, để không mất thêm một ngày ở lại cảng chờ tàu.

Vì tàu chạy đêm nên trên tàu có bán đồ ăn cho khách đi (trứng luộc và mì tôm) nhưng tốt nhất bạn nên mang thêm đồ ăn, vì căng-tin trên tàu chỉ bán đến 12h đêm. Ngoài ra, nếu bạn bị say sóng thì chúng tôi khuyên bạn nên mua vé nằm ở tầng hầm sẽ ít lắc lư hơn, nhưng lại hơi bí, khi nằm thì hãy nằm nghiêng và co chân nhé.

Thêm một điều thú vị nữa là bạn có thể mang xe máy theo (nếu có) bởi tàu đi Côn Đảo cho phép chở cả xe máy. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản chi phí cho việc thuê xe du lịch trên đảo. Hãy đổ đầy xăng đầy bình và mang theo một ít để dự phòng, bởi giá xăng trên đảo rất đắt.

Để mua vé tàu ở cảng Cái Lở, bạn có thể liên hệ trực tiếp với phòng vé ở cảng (064.3.838684) để đặt vé hoặc mua vé tại phòng vé ở Vũng Tàu (số 1007/36 Đường 30/4, phường 11, Vũng Tàu; SĐT 064.3838684). Khi đặt/mua vé thì nhớ mua luôn vé khứ hồi. Nếu không thì liên hệ với phòng vé ở Côn Đảo theo số 064.3830619 để mua vé tàu về. Giá vé thường là 400.000VNĐ/vé/lượt. Ngày lễ tết hoặc mùa du lịch có thể tăng.

- Máy bay

Hiện nay, chỉ có Vietnam Airlines và Air Mekong là có chuyến bay đến Côn Đảo. Thường thì bạn sẽ phải transit (quá cảnh) ở TP.Hồ Chí Minh, dù thứ 4 và thứ 6 Air Mekong có chuyến bay thẳng từ sân bay Nội Bài Hà Nội đến sân bay Cỏ Ống Côn Đảo. Nguyên nhân là do số lượng khách đi có thể ít, nên phải transit ở TP.HCM để lấy thêm khách cho đủ tuyến. Thời gian transit rất nhanh, cho nên một kinh nghiệm du lịch Côn Đảo tự túc là khi ngồi đợi ở sảnh hoặc phòng chờ, bạn hãy chú ý nghe loa thông báo lên máy bay nhé.

Khi đã đến Côn Đảo, từ sân bay Cỏ Ống về trung tâm thị trấn Côn Đảo là khoảng 12km. Do đó, bạn có thể đi taxi hoặc xe máy (nếu mang theo xe máy khi đi tàu). Còn nếu bạn đã đặt phòng khách sạn thì khi đến nơi hãy gọi điện cho khách sạn đó để họ điều xe ra đón bạn.

Theo kinh nghiệm du lịch Côn Đảo của Asiana Tours, thì bạn nên chọn xe máy là phương tiện di chuyển trên đảo, bởi nó không chỉ rẻ hơn taxi mà còn giúp bạn chủ động lựa chọn điểm du lịch mà bạn muốn.Trên đảo chỉ có duy nhất một cây xăng, nên hãy chú ý mức xăng và luôn mang theo một chai xăng dự trữ nhé. Giá thuê xe máy trên đảo là 100.000VNĐ/xe số và 120.000VNĐ/xe ga.Ngoài xe máy, taxi, bạn có thể thuê xe đạp hoặc đi bộ để thăm quan quanh thị trấn. Một số khách sạn, resort có thể sẽ có xe điện cho bạn thuê nếu bạn đi đoàn đông, nhưng giá khá cao.

3. Lưu trú tại Côn Đảo

Lữ hành châu Á - Asiana Tours gợi ý cho bạn một số resort, khách sạn, nhà nghỉ tốt, giá hợp lý khi du lịch Côn Đảo:

* Resort tại Côn Đảo

– Six Senses Côn Đảo là resort đẹp nhất ở Côn Đảo, với tập hợp hơn 50 biệt thự nằm san sát nhau, các phòng đều được thiết kế mở và nhìn được ra biển. Cả khu resort này đều được bao quanh bởi biển vào núi nên cảnh vật, tầm nhìn rất đẹp. Hơn thế nữa, Six Senses còn có hẳn một bãi tắm riêng, cùng các dịch vụ lặn biển, chèo thuyền kayak, cho thuê tàu thăm thú các đảo xung quanh. Tuy nhiên, nhược điểm của resort này là năm hơi xa trung tâm, nên không tiện cho việc ăn uống cho lắm.

– Resort Côn Đảo Vũng Tàu: Tương đương với một khách sạn 3 sao, nhưng chất lượng phòng và dịch vụ thì phải là một khách sạn 5 sao. Không chỉ đẹp, có riêng một bãi tắm với bờ cát trắng mịn kéo dài 2km, Côn Đảo resort còn nằm gần trung tâm và cách sân bay 20 phút đi ô-tô.

– Resort Côn Đảo Camping: Điểm nổi bật của resort này là những phòng ở của nó được thiết kế theo kiểu lều trại, và cách biển An Hải khoảng 10m. Du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác cắm trại ở bờ biển rất thú vị.

–  Sài Gòn Côn Đảo resort, ATC resort nằm trên đường Tôn Đức Thắng cũng là những resort có tầm nhìn ra biển đẹp, sạch sẽ, dịch vụ và chất lượng phòng tốt nhưng lại không có bãi tắm riêng, nếu muốn tắm biển bạn phải băng qua đường. Nhưng được cái là gần trung tâm và thuận tiện cho việc đi lại.

* Khách sạn, nhà nghỉ tại Côn Đảo

– Khách sạn Hải An đường Hồ Thanh Tòng – ĐT: 064.3508077 – 01644683866;

– Khách sạn Thiện Tân – ĐT: 064.3630123 0919888929;

– Khách sạn Phương Thảo đường Trần Phú – ĐT: 01237599977 – 064.3830526;

– Khách sạn HAI NGA trên đường Trần Phú – SĐT: 064.3830260;

– Khách sạn mini TÂN AN đường Lên Duẩn – SĐT: 064.3830257– 0907844747- 0918579105;

– Nhà khách Phi Yến – SĐT: 064.3830168;

– Nhà nghỉ Thanh Xuân – SĐT: 064.3830261;

– Nhà nghỉ Thanh Ngọc – SĐT: 064.3830219;

– Nhà nghỉ Ba Đoàn – SĐT: 0983567153;

– Motel AN LỘC đường Trần Phú – SĐT: 064.3608506 – 0904339068 – 0988448484.

4. Những điểm tham quan khi du lịch Côn Đảo

Nhà tù Côn Đảo

Hệ thống nhà tù Côn Đảo thời Pháp bao gồm các trại giam Bagne (Banh) I - hay còn gọi là Trại Phú Hải, Bagne II - Trại Phú Sơn, Bagne III - Trại Phú Thọ - Biệt lập chuồng gà, Bagne III phụ - Trại Phú Cường, Biệt Lập Chuồng Bò, Chuồng Cọp. Chính tại nhà tù Côn Đảo, thực dân Pháp đã giam cầm, xiềng xích, gông cùm và đủ các đòn tra tấn vô cùng tàn bạo để hòng dập tắt ý chí của các chiến sĩ cách mạng luôn mang trong mình ý chí đấu tranh vì độc lập tự do và giải phóng dân tộc. Khu biệt lập Chuồng Bò do thực dân Pháp xây dựng năm 1876, và được Mỹ mở rộng thêm vào năm 1963. Cao điểm nhất vào năm 1942, nhà tù Côn Đảo đã giam cầm, đày ải trên 4.400 chiến sĩ, sỹ phu, đảng viên yêu nước. Nhiều phòng giam lẽ ra chỉ giam cầm từ 40 - 50 tù nhân, nhưng chúng lại giam đến cả trăm người, có những người tù đã bị chết vì thiếu không khí

Ở Banh II,  Banh III, Banh phụ III và Chuồng Cọp gồm hai dãy, mỗi dãy có 60 phòng giam nhỏ và buồng tắm nắng. Ở Chuồng Cọp, mỗi chuồng giam có những hàng song trần ở trên nóc chuồng giam, bên trên là lối đi dành cho cai ngục theo dõi tù nhân, họ coi người tù không khác gì thú vật, sẵn sàng cầm những chiếc gậy dài chọc xuống người tù. Khi tù nhân khát cai ngục sẽ đổ ào nước xuống buồng giam chật chội, bẩn thỉu. Hình phạt dành cho những ai có dấu hiệu phản đối là rắc vôi bột xuống mịt mù.

Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Côn Đảo, năm 1955, Mỹ ngụy tiếp quản Côn Đảo. Chúng xây dựng thêm 4 trại giam mới gồm Trại 5 (Trại Phú Phong); Trại 6 (Trại Phú An); Trại 7 (Trại Phú Bình - Chuồng Cọp kiểu Mỹ) và Trại 8 (Trại Phú Hưng). Mỗi trại tù có 2 dãy, mỗi dãy có 48 phòng giam biệt lập.

Những ngày của tháng 4 -1975, trong không khí của cuộc tổng tiến công nổi dậy giải phóng hoàn toàn đất nước, tất cả quần chúng nhân dân yêu nước và các tù nhân tại nhà tù Côn Đảo đã đứng lên giải phóng đảo, chấm dứt 113 năm lao tù. Sự dã man của nhà tù Côn Đảo phần nào được thể hiện qua việc qua tháng 5/2012 khi nhà tù Côn Đảo được công nhận kỷ lục Guiness châu Á về “Hệ thống di tích lịch sử nhà tù trên đảo lớn nhất”.

Bãi Đầm Trầu

Đầm Trầu là một trong những bãi tắm đẹp nhất ở Côn Đảo, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách trung tâm thị trấn 14 km và sân bay Cỏ Ống 12 km. Đây là điểm đến lý tưởng cho các chuyến dã ngoại, tắm biển, ngắm san hô và trải nghiệm hành trình phiêu lưu, khám phá miền đảo xa.

Từ xa nhìn lại, bãi Đầm Trầu như một ốc đảo giữa đại dương xanh thẳm. Khi tiến lại gần, nơi đây là chốn dừng chân giải tỏa mọi lo toan của cuộc sống, để chìm đắm trong sự yên bình của thiên nhiên.

Buổi tối, bạn có thể thuê lều cắm trại qua đêm ngay tại bãi biển. Trong đêm, tiếng sóng vỗ miên man hòa trong tiếng vi vu của gió biển làm lay lắt những ngọn dừa, cành cây tạo những âm thanh vui tai, khiến bạn chìm vào giấc ngủ sâu mà không hay biết.

Rừng nguyên sinh Ông Đụng

Bao phủ khắp Côn Đảo là màu xanh tươi mát của những khu rừng nguyên sinh xanh mang đầy nét hoang sơ. Biển ôm lấy rừng tạo nên một khung cảnh thiên nhiên trữ tình êm ái. Những rẽ cây ngoằn ngoèo cổ quái, và những viên đá cuội có hình dáng kỳ thú, tiếng chim hót líu lo xa gần, tiếng sóc chuyền cành... ngỡ như lạc vào một khu rừng trong truyện cổ. Rừng ở đây mang trong mình đa đạng sinh học phong phú với 882 loài thực vật, gần 150 loài động vật, trong đó có nhiều loài hoa lan, và động vật quý hiếm như sóc mun, bồ câu nicoba, chim gầm ghì...

Rừng nguyên sinh Côn Đảo là bức tranh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và kỳ thú của Việt Nam. Tại đây người ta cũng đã phát hiện được nhiều di tích văn hóa cổ như các mộ táng cổ, các công cụ bằng đá, xương, kim loại...  Du lịch Côn Đảo, thăm những khu rừng nguyên sinh Côn Đảo hứa hẹn sẽ mang đến nhiều trải nghiệm thú vị và ấn tượng dành cho bạn.

Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, nơi an nghỉ lẫm liệt của 1.803 chiến sĩ cách Mạng và những người yêu nước, trong tổng số gần 20.000 người đã hy sinh trên đảo. Tiêu biểu như Tiểu La - Nguyễn Thành (1863 - 1911), chí sĩ Nguyễn An Ninh (1900 - 1943), Tổng bí thư Lê Hồng Phong (1902 - 1942), anh hùng Võ Thị Sáu (1933 - 1952), anh hùng Lê Văn Việt (1937 – 1966)... Nghĩa trang Hàng Dương được bảo tồn như một di tích lịch sử đặc biệt. Nghĩa trang hàng Dương với hàng ngàn nấm mộ có tên và không tên là bằng chứng hùng hồn về tội ác của đế quốc, thực dân đối với dân tộc ta.

Vịnh Đầm Tre

Sở dĩ có tên gọi vịnh Đầm Tre là vì xung quanh vịnh mọc rất nhiều tre, những khóm tre sát nhau, dày đặc như thành trì vững chắc. Ở cửa vịnh còn nơi làm tổ của chim yến và một số loài chim biển; vào mùa sinh sản, những cánh chim chao lượn rợp trời tạo nên cảnh quan tự nhiên sống động. 

Vịnh Đầm Tre được bảo vệ nghiêm ngặt nên môi trường thiên nhiên còn rất hoang dã, và được xem là một trong những điểm tham quan sinh thái hấp dẫn nhất khi du l
ịch Côn Đảo. 

Lặn biển ngắm san hô

Côn Đảo bao gồm các tiểu đảo khác nhau như hòn Bảy Cạnh, hòn Tài, hòn Tre, hòn Trứng, hòn Trác hay hòn Cau… là nơi hội tụ các dải san hô với mật độ cao bậc nhất Việt Nam, nơi lý tưởng để khám phá thế giới đại dương kỳ thú. Tại những địa điểm lặn đã được thăm dò trước, du khách sẽ được hướng dẫn các thao tác cơ bản và lặn cùng với chính người hướng dẫn. Du khách có thể liên hệ với Côn Đảo Explorer, Rainbow hoặc hỏi các khách sạn về nơi cung cấp tour lặn biển. Giá cho một tour lặn biển có bao gồm các dụng cụ cần thiết từ 500.000 VND/người trở lên.

Hòn Bảy Cạnh

Hòn Bảy Cạnh là hòn đảo lớn thứ hai trong số 16 hòn đảo thuộc quần đảo Côn Đảo, có số lượng rùa biển lên đẻ nhiều nhất Việt Nam. Mỗi năm có đến hàng trăm cá thể rùa mẹ lên bãi đẻ trứng. Toàn bộ đảo được che phủ bởi rừng nhiệt đới nguyên sinh, với hệ động, thực vật rất phong phú. Đến với Hòn Bảy Cạnh, du khách sẽ có cơ khám phá sinh thái rừng ngập mặn và bơi lặn ngắm san hô. San hô ở đây rất đa dạng về chủng loại với san hô dạng phiến, dạng bàn, dạng cành, khối đều thuộc sách đỏ của Việt Nam. Đi tàu từ đảo Côn Đảo ra Hòn Bảy Cạnh mất khoảng 1 giờ đồng hồ.

5. Đặc sản khi du lịch Côn Đảo

Ốc vú nàng

Đặc sản hấp dẫn nhất không nên bỏ qua khi đi du lịch Côn Đảo mang cái tên khá “nhạy cảm” là ốc vú nàng. Loại ốc này có thể nướng, luộc, ăn gỏi đều ngon tuyệt hảo. So với ốc vú nàng ở biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), biển Đại Lãnh (Khánh Hòa), ốc vú nàng ở Côn Đảo là to hơn, lại có quanh năm và nhiều nhất vào những ngày trăng tròn

Ốc vú nàng là một loại đặc sản biển quý hiếm, có hình chóp lệch, trên đỉnh có một cái núm nhỏ, vỏ ngoài màu đen xám, mặt trong lấp lánh xà cừ. Thông thường mỗi con ốc vú nàng chỉ to bằng ba ngón tay người lớn, nhưng ốc vú nàng Côn Đảo có con to gần bằng bàn tay. Con ốc vú nàng càng lớn, vỏ có màu hồng càng đậm. Nếu dùng cát xát vào vỏ ốc thì con ốc ánh lên một màu hồng sáng và lấp lánh ánh nhũ.

Mứt hạt bàng

Hạt Bàng là một thức ăn đặc sản ở Côn Đảo. Mứt hạt bàng được làm từ nguyên liệu là hạt trái bàng tự nhiên với phương pháp rang truyền thống.

Có hai loại mứt hạt bàng là mứt hạt bàng vị ngọt và vị mặn. Gọi là mứt nhưng thật sự đó là hạt bàng rang với muối hoặc với đường như đậu phộng rang muối hay rang đường. Mứt hạt bàng là một món quà đặc sản mang đậm dấu ấn Côn Đảo.

Cua mặt trăng

Cua mặt trăng thường sống ở độ sâu 3 đến 4m ở các bãi đá san hô và có cả tại Côn Đảo. Thịt của loại cua này ăn rất ngon, vừa thơm lại săn chắc. Loại cua này có thể chế biến theo nhiều cách quen thuộc như: Luộc, Hấp, Xào me, … 

Tôm hùm đỏ

Tôm hùm đỏ còn có tên gọi là tôm hùm lửa, loài tôm hùm này thường sinh trưởng rất chậm và có kích thước nhỏ hơn các loại tôm hùm khác (trọng lượng trung bình vào khoảng 0,2 - 0.5 kg). Thịt tôm hùm đỏ rất dai, ngon, ngọt và săn chắc, không những vậy loài tôm hùm đỏ này còn có rất nhiều gạch ở bên trong. Đây cũng được xem là một trong những món ăn không thể bỏ qua khi đi du lịch Côn Đảo

Mắm hàu

Đây là thứ nước chấm bình dân thường được người dân Côn Đảo sử dụng sử dụng trong các bữa ăn hằng ngày. Nguyên liệu chính để chế biến nên mắm hàu chính là con hàu có sẵn trong thiên nhiên. Loại này sống rất nhiều ở bãi đá chung quanh các hòn của quần đảo Côn Lôn ( Côn Đảo ).  

Hàng ngày, chờ cho thủy triều xuống, những người làm mắm hàu chạy ghe ra các hòn để gõ hàu lấy ruột.  Ruột hàu được đãi rửa sạch sẽ và để cho ráo nước,  sau đó đảo đều với muối, ớt bột, rượu ... theo tỉ lệ nhất định rồi đóng chai. Khoảng 20 đến 25 ngày sau, chai mắm hàu đổi màu, lúc phần thịt nổi lên trên còn phần nước lắng phía dưới có màu đỏ tươi là ăn được. Du khách khi đến du lịch Côn Đảo, khi về thường mang theo những chai mắm hàu để làm quà tặng cho người thân, gia đình hoặc bạn bè của mình.

6. Lưu ý khi du lịch Côn Đảo

  • Dịch vụ ở Côn Đảo còn phụ thuộc nhiều vào các chuyến hàng cung cấp của đất liền nên còn khá đắt đỏ và hạn chế nhất là các hoạt động vui chơi về đêm. Do đó, bạn nên chuẩn bị tâm lý rằng đây là chuyến nghỉ ngơi và khám phá một hòn đảo còn rất hoang sơ, dịch vụ chưa đầy đủ như đất liền.
  • Bạn nên chuẩn bị giày cao cổ nếu muốn vào rừng khám phá, thuốc chống dị ứng, các loại thuốc cá nhân hay dùng, một số đồ ăn liền do buổi tối rất khó kiếm đồ ăn
  • Côn Đảo rất ít hàng quán, có 2 nhà hàng khá nổi tiếng là Tri Kỷ Quán hoặc Thu Ba trên đảo Côn Sơn.
  • Có một cách tiết kiệm hơn cho du khách là tự mình ra cầu cảng vào tầm 6h00 sáng hoặc 2h00 chiều, giờ tàu về để mua hải sản tươi rói giá rất rẻ. Hải sản tươi có thể mang về khách sạn nhờ họ chế biến.
  • Nếu muốn ăn cơm bụi, bạn có thể tới khu vực chợ Côn Đảo

Lữ hành châu Á - Asiana Tours hi vọng, những kinh nghiệm hữu ích trên đây sẽ giúp bạn có một chuyến du lịch tuyệt vời!